Biện pháp đảm bảo an toàn & phong chống cháy nổ khi thi công

BiỆn Pháp Đảm Bảo An Toàn, Phòng ChỐng Cháy NỔ Khi Thi CÔng

BIỆN PHÁP ĐẢM BẢO AN TOÀN, PHÒNG CHỐNG CHÁY NỔ KHI THI CÔNG

———-***———-

Gói thầu: XÂY LẮP

Dự án: TU BỔ, BẢO TỒN TRỤ SỞ LÀM VIỆC TÒA ÁN NHÂN DÂN TP. HCM

  1. BIỆN PHÁP AN TOÀN THI CÔNG

Để thi công công trình đạt được kết quả theo yêu cầu và An toàn lao động chúng tôi tiến hành như sau:

          A – Tổ chức bộ máy làm công tác an toàn ở công trường

Khi tiến hành thi công công trình chúng tôi sẽ có các quyết định phân công trách nhiệm những người làm công tác An toàn trong đó:

– Chỉ huy trưởng công trường phụ trách chung.

– Cán bộ kỹ thuật, đội trưởng sản xuất và đứng đầu các bộ phận liên quan làm thành viên.

– Đặc biệt có một cán bộ bán chuyên trách giúp chỉ huy công trường theo dõi công việc này.

          B –  Chức trách và nhiệm vụ của các thành viên trong công trường về công tác an toàn bảo hộ lao động.

  1. Nhiệm vụ chỉ huy công trường

– Thành lập tiểu ban An toàn – BHLĐ ở công trường, phân giao trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên phân giao trong ban.

– Thực hiện nghiêm chỉnh các văn bản luật cũng như các quy phạm An toàn mà nhà nước đã ban hành.

– Thực hiện nghiêm chỉnh các văn bản chỉ thị về An toàn – BHLĐ của Công ty.

– Tổ chức cho người lao động ở công trường được:

¨ Ký hợp đồng hay thỏa ước lao động.

¨ Huấn luyện An toàn – BHLĐ theo các bước.

¨ Kiểm tra sức khỏe.

– Tổ chức bộ phận y tế, cấp cứu ở công trường.

– Tổ chức bộ phận bảo vệ phòng cháy chữa cháy trên công trường.

– Đảm bảo đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân (trang bị BHLĐ) tối thiểu cho người lao động như giầy, nón bảo hộ, găng tay, dây An toàn cho công nhân làm việc trên cao.

– Lập sổ theo dõi huấn luyện An toàn lao động và ghi chép kiến nghị của cấp trên.

– Hướng dẫn, kiểm tra, nhắc nhở việc thực hiện công tác lao động trên công trường thông qua các cuộc họp giao ban hằng ngày.

– Khen thưởng những cá nhân, tập thể làm tốt công tác An toàn. Đồng thời xử lý kỷ luật những tập thể, cá nhân vi phạm các quy định An toàn lao động trên công trường.

  1. Cán bộ kỹ thuật trên công trường có nhiệm vụ

– Giúp chỉ huy công trường thực hiện cụ thể các nhiệm vụ về An toàn lao động theo biện pháp An toàn.

– Kiểm tra đôn đốc hướng dẫn về đảm bảo An toàn khi thi công cho các bộ phận sản xuất theo khu vực được phân công.

– Chịu trách nhiệm chính về An toàn trong khu vực được phân công giám sát có quyền đình chỉ công việc khi có sự mất An toàn trong khu vực giám sát.

– Phát hiện những vi phạm về An toàn – BHLĐ ở toàn công trường và báo cáo kịp thời cho chỉ huy công trường để xử lý (khu vực ngoài sự phân công).

  1. Tổ trưởng sản xuất có nhiệm vụ

– Thực hiện nghiêm chỉnh biện pháp an toàn thi công của công trường đề ra.

– Tổ chức ký kết hợp đồng lao động hay thỏa ưóc lao động tập thể cho người lao đông trong đơn vị mình quản lý.

– Khi giao nhiệm vụ cho người lao động phải phổ biến biện pháp an toàn kèm theo và đảm bảo đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động (Bảo hộ lao động).

– Giám sát nhắc nhở và hướng dẫn cho người lao động làm việc bảo đảm an toàn và sử dụng trang bị BHLĐ đầy đủ.

– Tổ chức tốt xử lý và cấp cứu tai nạn lao động.

– Khen thưởng và xử lý kỷ luật kịp thời về An toàn – BHLĐ cho người lao động trong đơn vị mình.

  1. Trách nhiệm người lao động

– Nhận thức đúng đắn công tác an toàn BHLĐ để bảo vệ lợi ích cho bản thân, gia đình, xã hội.

– Trước khi lao động người công nhân phải nắm vững các thao tác An toàn quy trình lao động, sử dụng các trang bị bảo hộ lao động đầy đủ.

– Tuân theo sự phân công của tổ và làm tốt công việc của mình, không chủ quan làm bừa,  làm ẩu.

– Không vì những mâu thuẫn cá nhân mà gây tai nạn cho đồng đội.

– Đoàn kết trong tổ tương trợ giúp đỡ nhau trong công việc và chăm sóc thăm hỏi kịp thời cứu chữa khi đồng đội bị tai nạn lao động.

– Có quyền tự chối khi điều kiện làm việc thiếu an toàn.

– Có tinh thần làm chủ tập thể, kịp thời phát hiện, góp ý, ngăn cản những trường hợp vi phạm quy tắc an toàn trên công trường.

– Trong cơ chế mới hiện nay tổ chức công đoàn cần kết hợp với chỉ huy công trường, kiểm tra an toàn theo tháng hay phát động những phong trào thi đua đảm bảo an toàn theo từng kỳ. Tham gia với chính quyền trong việc bảo vệ quyền lợi người lao động theo bộ luật lao động ban hành.

          C – Áp dụng các quy phạm an toàn lao động

          Nhà nước đã ban hành vào thực tế ở công trường

Chúng tôi sẽ áp dụng các biện pháp đảm bảo các quy phạm an toàn lao động mà Nhà nước đã ban hành vào thực tế công trường như sau:

          1 – Tổ chức mặt bằng trên công trường

Trên công trường đảm bảo các yêu cầu sau:

– Bố trí mặt bằng hợp lý thuận lợi cho thi công và giao thông đi lại làm việc có bản vẽ mặt bằng kèm theo.

– Hệ thống chiếu sáng đầy đủ.

– Có đầy đủ công trình vệ sinh, tủ thuốc y tế.

– Có sổ nhật ký An toàn lao động.

– Có đầy đủ các bảng hiệu và biển cấm, nội quy An toàn như:

¨ Khẩu hiệu “An toàn là trên hết”, “Sản xuất phải An toàn”

¨ Nội quy An toàn công trường, nội quy An toàn sử dụng máy móc.

¨ Biển “Cấm đóng điện”, “Khu vực cấm”…

          2  – Sử dụng trang bị bảo hộ lao động

– Người lao động làm việc trong công trường được trang bị bảo hộ lao động đầy đủ. Đảm bảo 100% người làm việc trên công trường đội nón cứng và đeo dây an toàn khi làm việc cheo leo trên cao.

– Các trang bị bảo hộ lao động khác căn cứ vào từng loại công việc sẽ hợp lý cho người lao động như: găng tay thợ hàn, ủng cao su, khẩu trang chống bụi…

          3 – An toàn giao thông trên công trường

– Lái xe khi điều khiển phương tiện chạy ở ngoài công trường luôn luôn chấp hành tốt luật giao thông đường bộ nhà nước đã quy định.

– Xe chạy trong công trường tuân theo sự hướng dẫn của cán bộ trực ca, lực lượng bảo vệ hay biển báo trên công trường. Khi xe đi lại trong công trường, tài xế cần thận trọng tránh va chạm vào các vật xung quanh và người.

– Lái xe phải kiểm tra thường xuyên, nhất là trước khi xe chạy.

– Lái xe khi ra khỏi xe, tắt máy rút chìa khoá xe.

– Những người không có trách nhiệm không được tự động lên xe điều khiển phương tiện.

          4 – An toàn trong lắp ráp sử dụng điện

– Chỉ có công nhân được học qua nghề thợ điện mới được bố trí làm các công việc về điện.

– Lắp ráp mạng điện trên cùng công trường sẽ đảm bảo hợp lý trên mặt bằng và mặt đứng. Theo khu vực, theo tầng phải có tủ điện và cầu dao phân đoạn. Đối với các máy lớn được bố trí nguồn điện động lực riêng, điện chiếu sáng riêng. Tủ điện chính có áp-tô-mát đề phòng trường hợp sảy ra sự cố về điện. Sử dụng các ổ cắm điện di động với dây dẫn cáp bọc 2 lớp để phục vụ cho các dụng cụ điện cầm tay và chiếu sáng di động.

– Trong công trường những dây điện nối bọc nhiều, hoặc lớp bọc nhựa bên ngoài bị chảy và quá cũ. Thay thế những dây bọc đảm bảo an toàn. Trường hợp bất đắc dĩ phải nối dây điện sẽ dùng bằng băng keo cách điện.

– Tuyệt đối không có trường hợp nằm trên sắt thép hay vật tư đè lên. Trường hợp dây điện dùng cho máy di động phải quấn vào tời và trượt trên rãnh.

– Các cầu dao điện, ổ cắm, áp-tô-mát đặt nơi cao ráo, thuận lợi cho việc đóng ngắt điện, có hộp gỗ và có nắp bảo vệ.

– Khi sửa chữa điện, máy điện luôn luôn có 2 người. Tại vị trí cầu dao điện có bảng “Cấm đóng điện “. Sau khi sửa chữa xong, muốn đóng điện, phải đóng ngắt 3 lần để báo hiệu.

– Thợ điện có đầy đủ các đồ nghề về điện và hàng ngày đi kiểm tra về điện khắp công trường. Nơi tầng hầm ẩm ướt, hoặc nơi người hay qua lại, nếu phát hiện thấy dây điện hở hoặc máy bị rò điện thì phải khắc phục ngay.

– Thợ điện được huấn luyện thành thạo việc cấp cứu người bị tai nạn điện và hướng dẫn cho các tổ trưởng sản xuất cách cắt điện khi có sự cố điện xảy ra.

– Người không hiểu biết hoặc không có trách nhiệm về công tác điện thì không được nối dây điện hoặc đóng mở cầu dao.

– Các máy dùng điện hoặc động cơ điện sẽ được kiểm tra vỏ máy bằng dụng cụ mê-gôm-kế thường xuyên.

– Tùy theo từng loại thiết bị điện hoặc động cơ, có các biện pháp bảo vệ phù hợp, chẳng hạn như nối đất bảo vệ, cắt mạng bảo vệ, nối không… , đảm bảo không được để xảy ra sự cố về điện trên công trường.

          5 – An toàn trong công tác vận chuyển thép và vật liệu

– Tất cả các loại vật tư đưa vào công trường, nếu sử dụng ngay thì đưa đến tận vị trí cần dùng, nếu chưa sử dụng thì phải xếp gọn vào bãi chứa, kê chèn chân cẩn thận. Khi đưa thép lên cao thì phải buộc chèn chắc chắc, cẩn thận rồi mới chuyển đi. Khi vận chuyển sẽ được treo biển báo cấm người qua lại khu vực vận chuyển. Tuyệt đối không đưa thép lên cao khi chưa có các điều kiện an toàn.

Chúng tôi luôn luôn lưu ý: khi kéo thép lên cần tránh đụng chạm vào dây điện hoặc cầu dao điện. Khi sắp xếp thép sẽ bảo đảm gọn gàng theo chủng loại, không xếp thép quá tải trọng lên các tầng sàn hoặc giàn giáo.

          6 – An toàn trong công tác lắp dựng giàn giáo, cốp pha, cốt thép

– Giàn giáo sử dụng thông dụng hiện nay là loại giàn giáo định hình. Khi lắp giáo, các công nhân trèo lên cao sẽ được khám sức khỏe, trang bị dây an toàn và trước khi lắp được họp phổ biến các qui định an toàn và nhắc nhở anh em tính cẩn trọng khi thao tác. Vị trí đứng để lắp ráp trên cao không vững chắc thì phải trang bị dây đeo an toàn cho công nhân, dây này được móc vào một vị trí cố định. Khi lắp giáo, sàn thao tác bố trí người giám sát, có biển báo cấm người qua lại dưới khu vực đang lắp ráp. Kê chân giàn giáo chắc chắn và có neo giằng vào hệ cột cố định. Xung quanh công trường có lưới bao quanh che giàn giáo, và khi làm lên cao hệ giáo được lắp cao lên 1 hàng so với sàn để thay lan can bao che.

– Đất dưới chân giàn giáo được đầm chặt và có gỗ kê.

– Cốp pha gỗ, vật liệu vụn ở trên cao được thu dọn, đưa xuống bãi vật liệu dưới đất, để tránh trường hợp khi gió lớn hoặc do sơ xuất các loại vật liệu đó có thể văng xuống đất gây nguy hiểm cho người qua lại.

– Khi lắp giáo phải lắp theo từng giai đoạn, thẳng phẳng ngay ngắn không được lắp tầng cao tầng thấp.

– Chuyển vật liệu thừa trên sàn xuống đất chúng tôi dùng hệ thống ống xả rác cấu tạo bằng các thùng phuy liên kết chặt với nhau.

– Có biển cấm ném vật liệu thừa hoặc bất cứ vật gì từ trên cao xuống

– Khi lắp dựng cốp pha, cốt thép hệ cây chống từng khối được kiểm tra bảo đảm chịu lực phân bố đều, kể cả tải trọng động khi đổ bê tông bằng bơm hoặc cẩu.

– Cốp pha được để gọn gàng ngay ngắn không chồng lên nhau, hay chồng lên cốt thép.

          7 – An toàn trong công tác đổ bê tông

– Khi nghiệm thu khối đổ bê tông chúng tôi lưu ý đến sự ổn định của khối đổ, cây chống, cầu thang lên xuống sàn thao tác, số lượng đầm bê tông, đèn chiếu sáng… Tất cả các điều kiện này đáp ứng đầy đủ mới tiến hành đổ bê tông.

– Công nhân đổ bê tông được trang bị ủng cao su, đội nón cứng bảo hộ lao động, đeo găng tay.

– Khi sử dụng đầm điện để đầm bê tông sẽ kiểm tra An toàn điện của vỏ đầm và các các dây điện trước khi mang ra sử dụng.

          8 – An toàn trong khi sử dụng các loại máy nhỏ trong xây dựng (máy phát điện, máy đầm bê tông, máy cưa, máy bào)

– Tất cả các loại máy khi sử dụng có nhiều điểm chung về áp dụng biện pháp an toàn giống nhau như:

– Công nhân vận hành máy được đào tạo và có chứng chỉ.

– Khi sử dụng máy làm các thủ tục bàn giao ca, kiểm tra xử lý những hỏng hóc.

– Quá trình hoạt động theo đúng công suất, tính năng của máy do nhà chế tạo quy định.

– Đối với máy chạy điện, ngoài việc đấu điện đúng kỹ thuật An toàn, còn được thường xuyên kiểm tra tính cách điện của vỏ máy.

– Khi sửa máy cắt điện có người cảnh giới ở cầu dao điện.

– Thường xuyên vệ sinh công nghiệp sạch sẽ khu vực đặt máy.

          9 – Công tác phòng cháy chữa cháy

– Khi tiến hành thi công chúng tôi sẽ liên hệ với công An phòng chữa cháy địa phương  lập phương án phòng cháy, huấn luyện cho các lực lượng nòng cốt tại công trường, đồng thời trang bị đầy đủ các phương tiện phòng chữa cháy như bình chữa cháy , cát, nước, máy bơm cụ thể như sau:

– Bố trí 04 bình chữa cháy tại các khu vực để máy phát điện & kho thiết bị.

– Đường đi lại đảm bảo cho xe chữa cháy đi vào dể dàng khi xảy ra hỏa hoạn.

– Cát, nước, máy bơm thi công cũng được sử dụng khi xảy ra hỏa hoạn.

– Tại kho xi măng, kho vật tư điện nước có biển cấm lửa và biển ghi rõ nội qui phòng cháy chữa cháy.

          10 – Công tác an toàn khi sử dụng vận thăng

– Thiết bị năng chỉ được đưa vào sử dụng sau khi đã được kiểm định kĩ thuật an toàn đạt yêu cầu và đăng ký sử dụng đúng quy định.

– Khi sử dụng vận thăng công nhân phải được đào tạo và huấn luyện kỹ thuật an toàn và giao nhiệm vụ bằng văn bản.

– Máy vận thăng phải có biện pháp quản lý hiệu quả, không để người không có trách nhiệm, không qua đào tạo tự vận hành máy.

– Không gian chân thang phải được bao che kín bảo vệ. Cấm người vào vùng hoạt động nguy hiểm của máy vận thăng.

– Cấm chất quá tải trọng cho phép của thiết bị máy vận thăng. Vật liệu chất xếp trên bang nâng máy vận thăng phải đúng kỹ thuật, có biện pháp chằng giữ chống rơi đổ khi máy vận hành.

– Phải thường xuyên kiểm tra tình trạng dây cáp thép của thiết bị máy vận thăng và dây cáp, xích buộc tải. Nếu có dấu hiệu hư hỏng, bị mòn, rỉ sét… quá tiêu chuẩn cho phép thì phải loại bỏ thay thế bằng cái mới.

– Thiết bị máy vận thăng phải được sửa chữa, bảo dưỡng kỹ thuật định kỳ.

– Máy vận thăng phải được đặt sao cho từ vị trí người điều khiển phải quản sát được toàn bộ không gian làm việc các tầng khu vực máy vận thăng, trường hợp không nhìn thấy phải bố trí người liên lạc để tín hiệu tại các tầng làm việc.

          11 – Công tác an toàn khi sử dụng cần trục tháp

– Chỉ những người hội đủ điều kiện sau mới được làm việc với cần trục tháp:

+ Có độ tuổi trong độ tuổi lao động do nhà nước quy định.

+ Đã qua kiểm tra khám sưc khỏe bởi cơ quan y tế.

+ Được đào tạo chuyên môn phù hợp, được huấn luyện BHLĐ và có các chứng chỉ kèm theo (gồm người lái, người làm tín hiệu, người móc tải). Định kỳ 12 tháng 1 lần, và những người này phải được huấn luyện và kiểm tra kiến thức chuyên môn và an toàn bảo hộ lao động.

+ Được giao quyết định điều khiển cần trục bằng văn bản.

– Chỉ cho phép công nhân làm việc trên cần trục tháp đã qua kiểm định và được cơ quan lao động cấp giấy phép cho phép hoạt động theo đúng quy định. Cần trục tháp chưa có giấy phép của ngành lao động không được phép hoạt động.

– Công nhân làm việc trên cần trục tháp phải sử dụng đúng và đủ các phương tiện bảo vệ được cấp theo chế độ gồm: quần áo vải dày, mũ cúng, găng tay vải bạt, áo mưa, gang vải gắn cổ.

– Trước khi vận hành phải kiểm tra tình trạng kỹ thuật của các chi tiết và từng bộ phận quan trọng của cần trục tháp, thử lần lượt từng bộ phận của nó ở trạng thái không tải xem hoạt động của chúng có bình thường không. Chú ý xem xét tình trạng chất lượng của móc, cáp, dây tiếp đát, trụ chắn khống chế hành trình, bộ phận chặn hoặc thiết bị chống lật cần, thiết bị chống di chuyển, thắng hạm các loại… Nếu có bộ phận chi tiết nào hư hỏng phải báo cáo cho người phụ trách để tìm biện pháp khắc phục mới được vận hành.

– Giữa người lái và người làm tín hiệu phải phối hợp nhịp nhàng thống nhất theo ngôn ngữ quy ước giữa 2 bên mà quy phạm kỹ thuật an toàn thiết bị nâng đã định. Trong trường hợp người lái nhìn thấy tải trọng trong suốt quá trình nâng chuyển thì người móc tải kiêm luôn tín hiệu viên.

– Khi cho cần trục tháp làm việc trong vùng bảo vệ của đường dây tải điện phải có phiếu thao tác. Phiếu phải ghi rõ các biện pháp an toàn, trình tự thực hiện các thao tác, vị trí đặt cần trục tháp. Phiếu này do thủ trưởng đơn vị sử dụng cần trục tháp ký và giao trực tiếp cho người lái. Cấm thiết bị nâng làm việc dưới đường dây cao thế.

– Khi di chuyển hay bắt buộc phải bố trí cần trục đứng làm việc dưới đường dây tải điện hạ thế phải đảm bảo khoảng cách tối thiểu từ thiết bị nâng đến dây không nhỏ hơn 1m.

– Trước khi bắt đầu làm việc phải báo cáo cho những người không có trách nhiệm ra khỏi khu vực nâng chuyển và hạ tải.

– Trong khi làm việc ngoài trời cửa buồng lái phải đóng lại và có khóa (chốt). Cửa kính buồng lái phải được lau sạch thường xuyên.

– Phải che chắn các bộ phận:

+ Truyền động bánh răng, xích, trục vít.

+ Khớp nối có bulon và chốt lồi ra ngoài.

+ Các khớp nối nằm gần chỗ người qua lại.

– Phải bao che các phần mang điện hở mà người có thể chạm phải khi làm việc trong buồng điều khiển.

– Công tắc hạn chế hành trình của cơ cấu di chuyển phải đặt sao cho việc ngắt độngcơ xảy ra ở cách trụ chắn một khoảng không nhỏ hơn toàn bộ quãng đường thẳng (phanh) cơ cấu có ghi trong lý lịch máy.

– Làm việc ban đêm phải có đèn pha chiếu sáng đủ cho khu vực làm việc, công tắc đèn phải bố trí ở chân cần trục. Ngoài ra phải có đèn chiếu sáng đầy đủ cho buồng điều khiển với mạng điện riêng để khi ngắt thiết bị nâng không bị tắt đèn.

– Người điều khiển thiết bị di chuyển, hạ tải phải nắm vững:

+ Cách xác định chất lượng, sự phù hợp của cáp và tiêu chuẩn loại bó cáp.

+ Tải trọng được phép nâng và các ước tính trọng lượng của tải.

+ Cách kiểm tra hoạt động của các cơ cấu và thiết bị an toàn.

+ Cách kiểm tra hoạt đông của phanh và cách điều chỉnh phanh.

+ Khái niệm về độ ổn định và các yếu tố có ảnh hưởng đến nó.

+ Cách xác định vùng nguy hiểm của thiết bị nâng.

+ Cách xác định sự cố xẩy ra.

– Người móc tải phải biết:

+ Trọng tải mà cần trục được phép nâng, trọng tải của cần trục tương ứng với tầm với.

+ Chọn cáp, xích buộc phù hợp với trọng lượng và kích thước của tải.

+ Xác định chất lượng cáp, xích, móc tải.

+ Cách buộc và treo tải lên móc.

+ Qui định tín hiệu trao đổi với người điều khiển thiết bị nâng khi phải kiêm nhiệm vai trò tín hiệu viên.

+ Ước tính trọng lượng của tải.

+ Vùng nguy hiểm của thiết bị nâng.

– Nghiêm cấm:

+ Lên xuống thiết bị nâng khi nó đang di chuyển.

+ Nâng tải trọng trong tình trạng chưa ổn định hoặc chỉ móc lên một bên của móc kép.

+ Nâng hạ tải, di chuyển tải khi có người đang đứng trên tải (để cân bằng hay sửa chữa dây buộc).

+ Nâng tải đang bị vùi dưới đất, bị các vật khác đè lên, tải đang liên kết với các vật khác bằng bulon hoặc liên kết với bê tông.

+ Kéo lê tải trên mặt đất, mặt sàn, trên đường ray (khi cáp nâng tải xiên), vừa nâng vừa quay hoặc di chuyển tải nếu hồ sơ kỹ thuật của nhà chế tạo không cho phép làm điều đó, di chuyển ngang tải khi tải làm cao hơn chướng ngại vật nhỏ hơn 500mm.

+ Dùng móc để đỡ cáp, xích đang bị tải đè lên.

+ Xoay và điều chỉnh các tải dài và cồng kềnh khi nâng chuyển và hạ tải mà không có các công cụ chuyên dùng thích hợp. (chỉ được phép điều chỉnh tải khi nó cách sàn khoảng 200mm và cách người thực hiện không ít hơn 1m).

+ Đưa tải lên xe khi người lái chưa ra khỏi ca-bin, qua lỗ cửa hoặc ban công khi không có sàn nhận tải.

– Khi xem xét kiểm tra, sửa chữa và điều chỉnh các cơ cấu, thiết bị điện hoặc xem xét sửa chữa kết cấu kim loại phải ngắt cầu dao dẫn điện hoặc tắt máy (đối với các kiểu dẫn động không phải bằng điện).

– Khi tạm ngừng việc không cho phép treo lơ lửng. Kết thúc công việc phải tắt máy và rút móc tải lên cao khỏi không gian có người và các thiết bị khác hoạt động. Thu dọn nơi làm việc gọn gàng, làm vệ sinh, ghi sổ nhật ký ca rồi ký tên trước khi giao cho người của ca sau.

        12 – Những biện pháp áp dụng khi xử trí những vụ việc liên quan đến tai nạn lao động

– Trong ngành xây dựng điều kiện làm việc phức tạp lại đòi hỏi phải đáp ứng tiến độ, không để xảy ra tai nạn lao động là vấn đề khó khăn. Chính vì vậy, chúng ta phải hạn chế không để xảy ra tai nạn đáng tiếc.

– Những vụ tai nạn lao động nhỏ có thể xảy ra, do đó vấn đề xử trí các vụ tai nạn lao động là quan trọng.

– Khi có tai nạn lao động, nếu là tai nạn điện, sẽ được cắt điện kịp thời, tách nạn nhân ra khỏi nguồn điện. Sau đó, tiến hành hô hấp nhân tạo cho nạn nhân nếu họ bị ngất. Với các tai nạn dạng chảy máu, gãy xương; ta bình tĩnh xử lý, băng bó cầm máu rồi đưa đi cấp cứu ở bệnh viện gần nhất.

– Công nhân khi bị chấn thương sọ não, được đưa đi cấp cứu bằng phương tiện nhanh nhất tới bệnh viện gần nhất.

– Nếu bị thương cột sống thì khi di chuyển phải hết sức nhẹ nhàng tránh cho người bị tai nạn các chấn thương thêm.

– Kịp thời lập biên bản hiện trường. Nội dung biên bản cần trung thực.

– Kịp thời báo về công ty để có biện pháp giúp đơn vị khắc phục hiệu quả.

– Họp kiểm điểm, rút kinh nghiệm, hoặc xử lý kỷ luật nhằm ngăn chặn và không để tai nạn tiếp diễn.

BIỆN PHÁP PHÒNG CHỐNG CHÁY NỔ

Công tác phòng chống cháy nổ trên công trình là điều cần thiết và bắt buộc mọi người trên công trình phải có ý thức bảo vệ và phòng chống. Chúng tôi đề ra biện pháp phòng chống cháy nổ như sau:

– Hệ thống nước phục vụ thi công, phục vụ công tác PCCC được chúng tôi cung cấp đầy đủ được bố trí hợp lý, thuận tiện.

– Trong nội qui công trường có điểm cấm mang các vật liệu nổ vào trong công trường, ngoài ra có biển cấm lửa tại các nơi dễ cháy như thùng chứa nhiên liệu, kho vật tư điện nước, kho xăng dầu.

– Công trường sẽ lập một tổ chữa cháy không chuyên và huấn luyện công tác chữa cháy khi có sự cố xảy ra, lực lượng này được huy động tham gia chữa cháy, công nhân vận hành máy, thủ kho cũng được huấn luyện chữa cháy bằng bình xịt. Phổ biến cho công nhân khi phát hiện ra cháy báo ngay về Ban điều hành công trường và trên bàn điện thoại Ban điều hành có số điện thoại của lực lượng chữa cháy của địa phương.

– Chúng tôi sẽ chú trọng đến công tác phòng chống cháy nổ, sẽ bố trí 4 bình chữa cháy đặt tại kho vật tư điện nước 2 cái và tại phòng máy phát điện 2 cái. Ngoài ra cát, nước cũng được dùng cho công tác chữa cháy nếu có sự cố xảy ra.

– Đường ra vào và trong nội bộ công trường được bố trí thuận tiện cho xe chữa cháy thực hiện nhiệm vụ khi có sự cố.

– Kho bãi chứa vật liệu được chúng tôi sắp xếp hợp lý, thuận tiện, An toàn, đúng theo qui định về PCCC.

– Những vật liệu chất dễ gây cháy nổ hoặc dễ lan truyền lửa như cốp pha gỗ, xăng dầu chạy máy thi công, vật tư điện nước… được chúng tôi bảo quản kỹ lưỡng, xếp riêng biệt bằng các kho riêng biệt.

  1. BIỆN PHÁP BẢO ĐẢM VỆ SINH MÔI TRƯỜNG

1 – Vai trò của Ban chỉ huy công trường

– Ban chỉ huy công trường được giao toàn quyền quản lý, giải quyết mọi vấn đề liên quan đến công tác vệ sinh môi trường và thực hiện các thủ tục pháp lý với các cơ quan chính quyền sở tại, với Ban Quản lý Bên A và với người lao động.

– Ban chỉ huy công trường sẽ lập ra các biện pháp bảo đảm vệ sinh môi trường nơi thi công và khu vực lân cận, như biện pháp che chắn, chống bụi, khói, chống ồn, bố trí giờ giấc thi công hợp lý cho từng công tác, nhất là các công tác dễ gây ồn, gây ô nhiễm, sử dụng máy móc thiết bị phù hợp, tuân theo các qui định của Nhà nước về chỉ số tiếng ồn, khói…

– Các biện pháp bảo đảm vệ sinh, chống ô nhiễm môi trường sẽ được kết hợp chặt chẽ, phù hợp với biện pháp thi công.

– Ban chỉ huy công trường sẽ tổ chức một nhóm lao động phục vụ cho công tác vệ sinh môi trường. Bộ phận này sẽ trực tiếp thực hiện các công việc như quét dọn vệ sinh công trường và khu vực lân cận, tưới nước chống bụi, thu gom rác thải trong thi công…

– Ban chỉ huy công trường có nhiệm vụ giáo dục ý thức chấp hành các qui định về vệ sinh, bảo vệ môi trường cho lực lượng cán bộ, nhân viên, công nhân tham gia thi công tại công trường thông qua các hoạt động sinh hoạt, lao động hàng ngày, các cuộc họp giao ban giữa Ban chỉ huy với các đội trưởng đội thi công

2 – Các biện pháp cụ thể bảo đảm vệ sinh, chống ô nhiễm môi trường

+ Hệ thống WC tại công trường

– Bố trí khu vệ sinh tạm tại công trường cho CB-CNV và công nhân. Khu vệ sinh này được nhóm lao động phục vụ của công trường quét dọn thường xuyên, có nước và các dụng cụ vệ sinh đầy đủ.

+  Hệ thống nước thải, nước thi công và nước phục vụ công tác PCCC

– Hệ thống nước phục vụ thi công, phục vụ công tác PCCC được chúng tôi cung cấp đầy đủ bằng nguồn cấp nước khu vực và bể chứa nước, được bố trí hợp lý, thuận tiện.

– Hệ thống mương hở để thoát nước mưa, mương hở có độ dốc để thoát nước ra hệ thống thoát của khu vực. Mặt bằng thi công được tạo dốc thu nước vào mương hở tạo cho mặt bằng luôn luôn khô ráo không đọng nước.

– Việc thoát nước hố móng được thực hiện bằng máy bơm. Tùy theo lưu lượng nước ngầm số máy bơm được bố trí thích hợp. Tại công trình luôn có 2 máy bơm nước công suất 15m3/giờ, các máy bơm này được bơm ra mương hở qua đường ống.

+ Xử lý xà bần, rác thi công

– Chúng tôi sẽ bố trí hệ thống xử lý rác, xà bần thải ra trong thi công một cách hợp lý và nghiêm cấm xả rác trong công trường và khu vực lân cận cụ thể.

– Chúng tôi sẽ tổ chức một nhóm công nhân quét dọn thường xuyên thâu gom rác xả trong thi công như vỏ bao xi măng, mẩu gỗ cốp pha vụn… tập kết ở nơi qui định để từ đó vận chuyển ra khỏi công trường, đồng thời qui định rằng các loại rác xả trong thi công này không được quăng bừa bãi, mà phải để ở vị trí qui định thuận tiện cho nhân viên vệ sinh thu gom.

+ Công tác phòng chống bụi

– Công trường xây dựng là nơi thường sản sinh ra nhiều bụi nên chúng tôi sẽ triệt để thực hiện việc phòng chống bụi bằng các biện pháp sau:

– Tưới nước các nguồn gây bụi như tại khu vực trộn bê tông, đường đi lại và các khu vực trước khi quét dọn.

+ Công tác chống ồn, chống khói

– Máy móc trong thi công xây dựng thường là những loại dễ gây ồn, gây khói. Biện pháp cụ thể áp dụng là các loại máy gây khói nhiều đều không được sử dụng tại công trường. Máy móc đưa vào thi công chủ yếu là động cơ điện.

– Giờ làm việc trên công trường được chúng tôi qui định từ 7h – 22h cho mỗi ngày làm việc để không ảnh hưởng đến giờ nghỉ của khu vực lân cận.

3 – Phối hợp với các cơ quan chức năng của địa phương trong việc bảo vệ môi trường khu vực thi công

– Ngoài nhiệm vụ tuân thủ các qui định của các cơ quan chức năng của địa phương về việc bảo đảm vệ sinh môi trường. Ban chỉ huy công trình còn có nhiệm vụ phối hợp với các cơ quan chức năng, cơ quan chính quyền sở tại trong công tác bảo vệ vệ sinh môi trường tại khu vực thi công và nơi ở.

                                     Tp.HCM, Ngày 08 tháng 12 năm 2024

 

 

Nguồn:Phú Nguyễn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0988 334641