Thi công công tác M&E
Bảng dự toán mua các vật tư phân thô và phần hoàn thiện các thiết bị điện nước – đèn chiếu sáng trang trí – thiết bị vệ sinh (đối với nhà phố 2.3.5 tầng):
+ Chi phí ống nước ruột gà, ống cứng, đế âm dùng cho phần thô để xây dựng: giá dao động từ 15.000.000 – 18.000.000đ
+ Chi phí về thiết bị vệ sinh ( 2 toilet), bếp sử dụng cho toàn bộ ngôi nhà: chi phí khoảng 14.000.000đ
+ Chi phí về thiết bị điện đóng ngắt chiếu sáng (dây điện, ổ cắm công tắc, ổ mạng, CB, MCB,…): chi phí từ 15.000.000đ – 17.000.000đ
+ Chi phí về phần đèn trang trí nội thất: từ 5.000.000 – 10.000.000đ
Lưu ý: Mức chi phí dao động tùy thuộc vào loại thiết bị mà bạn lựa chọn là loại cao cấp hay bình dân.
Yêu cầu vật liệu
Vật tư đưa vào công trình để thi công được lấy mẫu trình Chủ đầu tư để kiểm tra thống nhất mẫu mã và chủng loại.
Trong quá trình thi công, tổ kỹ thuật điện, nước thường xuyên kiểm tra và kết hợp cùng kỹ thuật A để giải quyết những vấn đề cần thiết trong quá trình thi công.
Các vật tư phụ kiện và thiết bị sử dụng cho công trình đúng như yêu cầu của hồ sơ thiết kế cũng như hồ sơ mời thầu.
Trình tự thi công
Giai đoạn 1 : Thi công hệ thống ngầm.
Giai đoạn 2 : Kiểm tra, thử tải.
Giai đoạn 3 : Lắp ráp thiết bị.
Biện pháp thi công
Giai đoạn 1: Thi công hệ thống ngầm
– Phối hợp trong quá trình thi công bê tông, đi đường ống ngầm, đường dây ngầm tại những tuyến cần thiết, chờ sẵn các lỗ hổng kỹ thuật, các móc sắt liên kết, lỗ thông dầm, sàn, lỗ thoát nước.
– Phối hợp trong công tác xây, đi ngầm đường ống và đường dây ở những tuyến có thể đi được. Những tuyến không đi được thì sau khi tường đủ thời gian đông cứng vữa, tiến hành đục xẻ rãnh trên tường bằng máy kết hợp thủ công để đi đường ống, đường dây ngầm.
– Phối hợp công tác trát, ốp, láng, làm trần, tiến hành luồn dây điện vào đường ống, đặt hộp nối, máng cáp, hộp cứu hỏa, lắp tủ điện đảm bảo hoàn chỉnh trước khi lấp kín.
Giai đoạn 2: Kiểm tra, thử tải
– Trước khi lấp kín, tiến hành kiểm tra chặt chẽ hệ thống đường ống, đường điện, nước.
– Lắp van, kiểm tra áp lực đường ống cấp thoát nước, cứu hỏa.
– Kiểm tra đinh vít cố định, giá đỡ.
– Công tác kiểm tra bằng thiết bị chuyên dùng như Vôn kế, Ampe kế, Ohm kế, Máy nén khí hay máy bơm áp lực.
Giai đoạn 3: Lắp ráp thiết bị hoàn thiện
– Sau khi công tác ở giai đoạn 1 và giai đoạn 2 hoàn thành, tiến hành trát, ốp, lát, làm trần lấp kín hệ thống đi ngầm của điện, nước, chống cháy, chống sét.
– Khi công tác hoàn thiện phần xây dựng trong giai đoạn hoàn thiện, đảm bảo hệ thống từng phòng, từng khu, tiến hành lắp các phụ kiện và thiết bị như đèn, ổ cắm, công tắc, phụ kiện chống cháy, thiết bị vệ sinh, máy bơm nước và tất cả các công việc còn lại liên quan đúng thời điểm thích hợp cho từng vị trí.
Biện pháp thi công hệ thống điện
Nhà thầu chúng tôi đảm bảo thi công hệ thống điện dảm bảo theo đúng Quy phạm áp dụng TCXD 25 – 1991 và TCXD 27 – 1991.
Thi công lắp đặt
– Dây điện đặt trong ống PVC phải theo đúng quy cách, cỡ ống.
– Lắp đặt ống bảo vệ ngay ngắn theo chiều đứng và ngang (góc cột, góc tường, nách dầm), các chỗ nối, quanh cua phải được lắp đặt phụ kiện thích hợp, đảm bảo kín ống và mỹ quan.
– Ống bảo vệ được cố định bằng móc đỡ dây, cố định máng cáp bằng bu lông nở sắt.
– Các đầu dây thiết bị được luồn vào ống bảo hộ, đánh số đầu dây, bấm cote cho tiện việc đấu nối, lắp đặt thiết bị và sửa chữa về sau.
– Cố định máng cáp và các thiết bị cần thiết được lắp bằng bu lông nở sắt, nhựa d6 đến d16.
– Tổ chức nghiệm thu hệ thống dây dẫn trước khi được che kín.
– Trước khi lắp thiết bị cho phần điện phải kiểm tra đo điện trở đường dây, điện trở tiếp đất an toàn.
– Lắp đặt thiết bị đúng các chủng loại thiết bị nêu trong hồ sơ dự thầu và thiết kế.
Kiểm tra, thử tải
– Kiểm tra cách điện tại tủ điện, đường dây dẫn và các thiết bị cần thiết trước khi đóng điện lưới với tủ, đo kiểm tra các pha và ngắt điện toàn bộ thiết bị để tiến hành đóng thử từng khu vực một.
– Thời gian thử tải để kiểm tra ít nhất là 36 giờ trong thời gian thử tải có phối hợp với Chủ đầu tư, Đơn vị thiết kế, tổ kỹ thuật điện cùng kiểm tra.
– Các thông số kiểm tra điện dựa theo thông số kỹ thuật điện và yêu cầu thiết kế.
– Trong từng giai đoạn công việc đều được kiểm tra thử tải đầy đủ trước khi thi công công việc tiếp theo nhằm đảm bảo hệ thống thông suốt và an toàn tuyệt đối.
- Thi công công tác cấp thoát nước
- Yêu cầu vật liệu
Vật tư đưa vào công trình để thi công được lấy mẫu trình Chủ đầu tư để kiểm tra thống nhất mẫu mã và chủng loại.
Trong quá trình thi công phần cấp thoát nước thường xuyên kiểm tra và kết hợp cùng kỹ thuật A để giải quyết những vấn đề cần thiết trong quá trình thi công.
Các vật tư phụ kiện và thiết bị sử dụng cho công trình đúng như yêu cầu của hồ sơ thiết kế cũng như hồ sơ mời thầu.
- Trình tự thi công
Giai đoạn 1 : Thi công hệ thống ngầm
Giai đoạn 2 : Kiểm tra, thử tải
Giai đoạn 3 : Lắp ráp thiết bị
2.1. Giai đoạn 1 : Thi công hệ thống ngầm
– Phối hợp trong quá trình thi công bê tông, đi đường ống ngầm tại những tuyến cần thiết, các móc sắt liên kết, lỗ thông dầm, sàn, lỗ thoát nước.
– Phối hợp trong công tác xây, đi ngầm đường ống và đường dây ở những tuyến có thể đi được. Những tuyến không đi được thì sau khi tường đủ thời gian đông cứng vữa, tiến hành đục xẻ rãnh trên tường bằng máy kết hợp thủ công để đi đường ống.
– Phối hợp công tác trát, ốp, láng, làm trần, tiến hành luồn ống để đảm bảo hoàn chỉnh trước khi lấp kín.
2.2. Giai đoạn 2 : Kiểm tra, thử tải
– Trước khi lấp kín, tiến hành kiểm tra chặt chẽ hệ thống đường ống, nước.
– Lắp van, kiểm tra áp lực đường ống cấp thoát nước.
– Kiểm tra đinh vít cố định, giá đỡ.
– Công tác kiểm tra bằng thiết bị chuyên dùng như máy bơm áp lực.
2.3. Giai đoạn 3 : Lắp ráp thiết bị hoàn thiện
– Sau khi công tác ở giai đoạn 1 và giai đoạn 2 hoàn thành, tiến hành trát, ốp, lát, làm trần lấp kín hệ thống đi ngầm của hệ thống nước.
– Khi công tác hoàn thiện phần xây dựng trong giai đoạn hoàn thiện, đảm bảo hệ thống từng phòng, từng khu, tiến hành lắp các phụ kiện và thiết bị vệ sinh, máy bơm nước và tất cả các công việc còn lại liên quan đúng thời điểm thích hợp cho từng vị trí.
Biện pháp thi công:
Theo quy phạm TCVN 4519 – 1988.
– Đo lấy dấu cân cốt và các thiết bị, xác định vị trí của từng thiết bị.
– Chủng loại vật tư thiết bị phải đúng chủng loại mẫu mã thiết kế và hồ sơ mời thầu.
– Đi phần ống cấp, thoát nước đúng đúng theo tiêu chuẩn thiết kế, hệ thống thoát nằm ngang phải đi với độ dốc => 2% để thoát nước sạch, không đọng lại trên đường ống.
– Các hệ thống thoát nước hạn chế dùng cút góc 90, chỉ dùng cút 135o và Y 135o hạn chế không dùng tê trừ trường hợp cần thiết.
– Các mối nối nhựa dùng keo đặc chủng của ống nhựa theo tiêu chuẩn của từng hãng sản xuất như Bình Minh.
– Các trục cấp thoát nước được cố định bằng kẹp thép dẹt gia công mẫu mã theo thực tế của từng vị trí cố định, lắp đặt bằng vít nở, bu lông.
– Các trụ ống thoát nước đều lắp Y và nút kỹ thuật để thông tắc trong quá trình sử dụng.
– Vị trí hộp kỹ thuật các phòng và thông tắc chừa lỗ kỷ thuật có làm lắp đậy sao cho phù hợp với mỹ quan của từng phòng và từng khu vực.
– Những đường ống đi trên trần được cố định bằng vít nở chắc chắn vào bê tông.
– Sau khi thi công xong ống cấp, thoát cô định thì kiểm tra lại và tiến hành thử áp lực của đường ống cấp, thoát nước từng cụm, từng khu vực và toàn bộ công trình.
– Thời gian thử áp lực kiểm tra ít nhất là 15 ngày.
– Sau khi thử áp lực xong phải xả nước để súc rửa đường ống ít nhất là 3 lần, tiến hành lắp đặt thiết bị cho từng khu vực xong phải tiến hành bơm nước thử áp lực để kiểm tra độ khít kín cảu đường ống và các mối nối trong mạng lưới đường ống. Sau khi thử áp lực xong xả nước qua các miệng ống chờ để tẩy sạch các cặn bẩn trong đường ống. Quan sát nước xả cho tới khi thấy nước trong đạt yêu cầu. Giai đoạn tháo cặn bẩn, dùng Clo với liều lượng 5 mml nước cho vào bể, dung dịch Clo được đưa vào đường ống ngâm 24 giờ, sau đó xả nước làm sạch đường ống. Tổ chức nghiệm thu trước khi che khuất.
– Lắp đặt các thiết bị vệ sinh tuân thủ theo hồ sơ thiết kế, vị trí lắp đặt.
– Các thiết bị vệ sinh phải được xác định đúng chủng loại, màu sắc, phải đồng bộ, đầy đủ các phụ kiện trước khi lắp đặt. Phải trình mẫu cho Chủ đầu tư và Thiết kế duyệt mẫu trước khi đưa vào sử dụng.
– Chậu xí bệt có giăng cao su tại chỗ tiếp xúc với ống thoát. Tất cả các mấu nối giữa các thiết bị vệ sinh phải đảm bảo kín không bị rỉ nước dù là nước cấp hay nước thải.
– Các phễu thu được đặt tại các vị trí quy định, đồng thời đảm bảo là điểm thấp nhất của mặt sàn. Mặt của phễu thu phải thấp hơn mặt viên gạch lát kế cận là 5mm.
– Trước khi bàn giao, Nhà thầu sẽ tiến hành vệ sinh tất cả các xi phông, chậu rửa, vệ sinh lưới tạo bọt của các vòi rửa tránh đọng cát làm giảm áp suất nước. Các phễu thu mặt sàn phải được vét sạch xi măng, sơn, cát đọng quanh phần lõm để đảm bảo tính năng ngăn mùi hôi mà nước vẫn thoát tốt của các phễu thu.